Phát triển hiệu quả các đội tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi (14-11-2024)

Tác động từ những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế thủy sản của Quảng Ninh những năm qua đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có việc tăng dần hoạt động khai thác xa bờ, phát triển đội tàu khai thác vùng lồng, vùng khơi hiệu quả.
Phát triển hiệu quả các đội tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi
Ảnh minh họa

Tỉnh Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài, với trên 6.000km2 diện tích mặt biển. Hiện toàn tỉnh có 5.556 tàu cá, trong đó 1.309 tàu có chiều dài dưới 6m thuộc UBND cấp xã thống kê, quản lý, 3.517 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thuộc UBND cấp huyện quản lý và 730 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên thuộc UBND tỉnh quản lý.

Đến hết tháng 9/2024, trong 3.517 tàu cấp huyện quản lý thì có 2.629 tàu được đăng ký chính thức, 888 tàu đăng ký tạm để quản lý; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với 3.371 tàu. 473 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m do cấp tỉnh quản lý có 468 tàu được đăng ký chính thức, 5 tàu đăng ký tạm; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 443 tàu, đã đăng kiểm 468 tàu...

Từ năm 2022 đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới (huyện Hải Hà) đã gia tăng quy mô từ 26 tàu/168 đoàn viên lên 44 tàu/260 đoàn viên. Các tàu công suất lớn tham gia khai thác thuỷ sản tại vùng khơi vịnh Bắc Bộ và khu vực Thượng, Hạ Mai (huyện Cô Tô) tích cực đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động khai thác, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển, đồng lòng trong thay đổi phương thức khai thác, không sử dụng nghề cấm để khai thác theo hình thức tận diệt.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới cho biết: Những năm trước đây, tàu khai thác của địa phương chủ yếu là tàu công suất nhỏ, khai thác tuyến lộng và ven bờ. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng to lớn của nghề khai thác thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đóng mới tàu công suất lớn 680-750CV, chủ yếu hiện nay vươn ra khai thác từ vùng lộng trở ra. Với sự đồng lòng của bà con ngư dân địa phương, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các hình thức khai thác thủy sản tận diệt, khai thác bằng nghề cấm trên vùng biển được đẩy lùi, đảm bảo việc khai thác ổn định, an toàn. Nhất là thực hiện các quy định về chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không quy định.

Thời gian qua, định hướng về phát triển thủy sản của tỉnh là tập trung củng cố, hoàn thiện đội tàu khai thác xa bờ, nhằm bảo đảm cho đội tàu này an toàn, có đầy đủ trang thiết bị, nâng cao năng suất khai thác, bảo quản sản phẩm tốt, gia tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 5.600 tàu cá, hoạt động ở cả vùng lộng, khơi, ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, có vùng tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ và vùng đánh cá chung với nước ngoài.

Hiện hơn 4.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật dữ liệu trên Hệ thống quản lý nghề cá quốc gia (Vnfishbase); tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết và được cấp giấy chứng nhận về ATTP. Đến nay, không có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Về lắp đặt VMS, đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh có 256/256 tàu cá từ 15m trở lên đã thực hiện, đạt 100%.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện nghiêm việc lập hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cam kết/chứng nhận ATTP, cập nhật đầy đủ dữ liệu trên Vnfishbase. Đặc biệt là xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không” và tàu cá tuyến khơi thường xuyên mất tín hiệu VMS trên biển; thực hiện đúng thủ tục xóa tên tàu cá không đủ điều kiện hoạt động hay đã chuyển nhượng chủ tàu sang địa phương khác... Trước những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản, Quảng Ninh tập trung cao độ để khắc phục những tồn tại, nhằm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện giảm xuống còn 5.200 tàu cá đến năm 2025 và xuống còn dưới 4.000 tàu đến năm 2030.

Đặc biệt là hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác xa bờ, thông qua tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ mà tỉnh triển khai thực hiện. Tiêu biểu như: Hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; khuyến khích phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung... Điều này cũng giúp cho cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng mang lại giá trị lớn và bền vững hơn, bởi trên các tàu công suất lớn, ngư dân có điều kiện ứng dụng KHCN hiện đại để dò tìm và lựa chọn đối tượng khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cảnh báo diễn biến thời tiết... Từ đó hạn chế đáng kể cách làm mang tính hủy diệt nguồn lợi, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn.

Ngọc Thúy (www.quangninh.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác